• :
  • :

Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!

Danh dự là tư cách của người cách mạng

Ngày 2-2-2023, tại lễ đón nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những câu trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai Alekseyevich Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân”.

Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị công an toàn quốc lần thứ 73, ngày 15-1-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Còn Đảng thì còn mình”, “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II

Câu nói “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” cũng được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đi, nhắc lại nhiều lần khi tiếp xúc, trao đổi với các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phân tích: “Câu nói đó cực kỳ quan trọng. Đó là tư cách của người cách mạng. Khi mở lớp huấn luyện về đường cách mệnh, trong bài đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói 23 điều về tư cách một người cách mạng. Người luôn luôn nhấn mạnh vấn đề đạo đức đối với mỗi người cán bộ. Bác nói rằng: Đạo đức là gốc, cũng như sông phải có nguồn mới có nước, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo; người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi đến mấy không lãnh đạo được nhân dân”.

Nhà báo Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương

Rất tâm huyết với câu nói “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương chia sẻ: Câu nói ấy không chỉ phù hợp với Việt Nam, mà cả nước ngoài, mọi người đánh giá rất cao, đặc biệt các nước phương Tây. Người ta nói rằng, xã hội càng phát triển thì vấn đề danh dự, phẩm chất của con người càng được coi trọng, và coi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương điển hình về giữ gìn danh dự, giữ gìn phẩm chất.

 “Danh dự” là khái niệm dùng để chỉ phẩm giá, sự tôn trọng và sự đánh giá cao mà một người nhận được từ người khác, thường dựa trên hành động, phẩm chất và nguyên tắc sống của người đó. Người có danh dự là người luôn giữ gìn lòng tự trọng, trung thực, có trách nhiệm và đáng tin cậy trong mọi hành động và lời nói. 

 Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: “Là cán bộ, đảng viên thì danh dự thực sự quan trọng, thực sự cấp bách. Dân tộc chúng ta cũng chỉ vì danh dự của mình đã quyết tâm đánh bại mọi kẻ thù, giành lại độc lập cho đất nước. Đó là danh dự cá nhân được hóa thân trong danh dự Tổ quốc. Chúng ta cũng thấy, danh dự của chiến sĩ cộng sản từ khi ta chưa giành được độc lập được đổ bằng máu, lá cờ Tổ quốc là lá cờ bằng máu, danh dự là cái chết”.

Khi chúng ta trọng danh dự của chính mình

Danh dự không phải là điều gì đó bất biến, trái lại sẽ bị giảm sút, thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp, như lời Bác Hồ đã dạy: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền khẳng định: Danh dự được coi là thước đo phẩm giá của con người, nên mất danh dự là mất lớn, nhất là đối với người cộng sản.

Danh dự chính là những đỉnh cao mà Đảng phấn đấu đến, đặc biệt là danh dự của đảng viên, danh dự của người cộng sản, chính là đỉnh cao mà mất đi danh dự của người cộng sản thì còn gì nữa, còn gì là con người cộng sản nữa. Vì vậy tôi cho rằng, danh dự là số một của những người cộng sản. Nó không phải như tu sĩ, mà nó thật sự và cống hiến vì nhân dân.

Giáo sư, Tiến sĩ VŨ GIA HIỀN


Có thể nói, danh dự không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Người có danh dự, trọng danh dự sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng. Và tất nhiên họ sẽ vui, hạnh phúc vì lẽ sống đó. Tiến sĩ Thân Ngọc Anh, Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị khu vực II cho rằng: Quan trọng là anh sống, anh làm gì cho bản thân, gia đình, đất nước, và trong đầu óc của anh cảm thấy thanh thản. Tức là anh không làm gì có nợ cho đất nước cả, không làm gì có lỗi với ai cả. Thanh thản đó là giá trị lớn nhất của đời người.

Cùng quan điểm ấy, Tiến sĩ Nhị Lê khẳng định: Đó chính là lý do mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn căn dặn mọi người rằng: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”; đồng thời đòi hỏi mỗi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ phải luôn tuân thủ đạo đức cách mạng, nhất là trong giai đoạn đất nước đang hội nhập quốc tế như hiện nay.

Chưa bao giờ như bây giờ, danh dự Việt Nam, mà bắt đầu từ danh dự mỗi người làm nên quốc thể Việt Nam, làm nên quốc tín Việt Nam và làm nên quốc khí Việt Nam. Đó là động lực không bao giờ cạn khi mỗi người Việt Nam chúng ta còn trọng danh dự của chính mình.

Tiến sĩ NHỊ LÊ, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản


Câu nói: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp mỗi chúng ta thấm thía hơn về việc phải không ngừng rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, giữ gìn giá trị ý nghĩa nhất, đồng thời là tài sản quý giá nhất của mỗi người, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Làm được điều ấy sẽ góp phần xây dựng một xã hội đầy đủ danh dự và văn minh.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật