• :
  • :

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp dưới góc nhìn của nông dân

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả thiết thực. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, xây dựng nông thôn mới.

Thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng cao. Nông thôn có sự thay đổi rõ rệt... Bên cạnh kết quả đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững do tổ chức sản xuất chủ yếu dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển; thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp. Trong khi xây dựng nông thôn mới chưa chú trọng đúng mức tới liên kết phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân cũng như góp phần xây dựng đời sống văn hóa và tham gia bảo vệ môi trường. 

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành cũng đã xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Từ quan điểm nêu trên, nhiệm vụ đặt ra là:

Phải giúp nông dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Nông nghiệp có phát triển bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào nông dân. Vì vậy, cần quan tâm đào tạo nâng cao nhận thức cho người nông dân. Nông dân phải được đào tạo, cập nhật đủ kiến thức để thay đổi cách nghĩ, cách làm thay vì hỗ trợ, giúp nông dân bằng cây - con giống, vật tư, phân bón hay “giải cứu” nông sản như hiện nay.

z4336292447401 cb3528a7e071ee5ef0c6ae9c5edfaf3e 09304612052023

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền trao đổi về kỹ thuật trồng dưa lưới với nông dân xã Thanh An, huyện Hớn Quản - Ảnh: Cẩm Liên

Phải mở lớp đào tạo nâng cao kiến thức cho nông dân và các hợp tác xã; có kế hoạch cập nhật kiến thức, huấn luyện người dân thông qua đội ngũ khuyến nông ngay tại cơ sở. Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, khuyến khích nông dân tham gia vào các mô hình liên kết, hợp tác, các thiết chế cố kết cộng đồng dân cư. Song song đó, cần phát huy vai trò đầu tàu của những nhân tố năng động như các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ để dẫn dắt tiếp cận các mô hình mới. Cần khuyến khích sự thay đổi tích cực của người nông dân, cộng đồng dân cư trong cách nghĩ, cách làm, từ thói quen, tập quán sinh hoạt thường ngày cho tới cách thức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tiên tiến theo tư duy kinh tế.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Bình Phước rất cần tổ chức lại sản xuất. Đây là vấn đề không mới, nhưng nông nghiệp Bình Phước chưa đạt được mục tiêu này. Tổ chức lại sản xuất bằng hình thức liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, đây là xu thế phát triển tất yếu. Thời gian gần đây, nông dân Bình Phước đã từng bước nhận thức rõ hơn về vấn đề này, tuy nhiên thực trạng liên kết này chưa bền vững, nếu không muốn nói là rất lỏng lẻo. Quan tâm các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nông dân về kinh tế hợp tác thông qua các hoạt động của các cấp hội nông dân bằng nhiều hình thức: thi tìm hiểu; hội thảo; xây dựng clip tuyên truyền; xây dựng các chuyên mục trên đài, báo, phát thanh, mạng xã hội... Hiểu được giá trị của sự hợp tác và nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hợp tác xã, mới thấm đẫm triết lý “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại phải hướng đến tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho nông dân

Mục tiêu này đặt ra nhưng chưa đạt. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện rất nhiều việc, trong đó có những việc cần làm ngay như: Nhà nước cần giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn vật tư đầu vào, như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… bởi khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đồng nghĩa với lợi nhuận sẽ giảm, đời sống người nông dân vẫn không tăng. Thực tế thời gian qua là như vậy. Giá vật tư đầu vào ngành nông nghiệp không chủ động được, thậm chí thả nổi, dẫn đến dù có sản phẩm tốt, bán giá cao thì lợi nhuận người nông dân thu về cũng rất thấp so với các khâu khác trong chuỗi sản xuất. 

Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch trải nghiệm

Một hướng tiếp cận khả thi tại Bình Phước để phát triển nông nghiệp bền vững, đó là kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm cộng đồng, xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng vùng. Để lan tỏa và gửi gắm thông điệp “hội tụ giá trị, lan tỏa văn hóa”, mỗi sản phẩm nông nghiệp, mỗi dịch vụ du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn cần được chăm chút tinh tế, chuyển tải những câu chuyện kể khơi gợi cảm xúc từ hồn đất, hồn rừng, hồn người, nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân Bình Phước. Người nông dân, cộng đồng dân cư cùng nhau làm du lịch nông nghiệp - nông thôn.


Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết