• :
  • :

Những kết quả nổi bật thực hiện chương trình đột phá trong kết cấu hạ tầng của tỉnh Bình Phước

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.855 tuyến đường, với tổng chiều dài là 9.110 km, trong đó các tuyến giao thông huyết mạch và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa gần 100%.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh, trong đó ưu tiên thực hiện chương trình đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng, với nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát hạ tầng giao thông đi trước một bước. Qua nữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, kết quả triển khai thực hiện chương trình đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng đã đạt một số kết quả nổi bật.

Phát triển hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng và hạ tầng công nghệ thông tin toàn diện, đồng bộ

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.855 tuyến đường, với tổng chiều dài là 9.110 km, trong đó các tuyến giao thông huyết mạch và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa gần 100%.

Triển khai thực hiện đề án kết nối vùng tại Quyết định số 1924/QĐ-UBND ngày 17/10/2022 đảm bảo tính đồng bộ kết nối giữa các vùng và khu vực, theo đó tổng số dự án được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là 34 dự án, trong đó ưu tiên 1 là 20 dự án; ưu tiên 2 là 7 dự án; ưu tiên 3 là 7 dự án. Một số dự án trọng điểm đang triển khai thi công như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu Hoa Lư; Dự án xây dựng đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư; Dự án nâng cấp ĐT.756 (Minh Lập-Lộc Hiệp); dự án xây dựng tuyến kết nối ĐT.753B; Dự án đường giao thông kết hợp du lịch hồ thủy lợi Phước Hòa; Dự án đường Đồng Hưu - Bàu Nàm; dự án đường Đồng Tiến - Tân Phú, huyện Đồng Phú...
 
Đường Phan Bội Châu hoàn thành góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội đô thị thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

Một số dự án trọng điểm đang hoàn thiện thủ tục như: Cao tốc Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn 7km qua thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; Dự án đường Đồng Phú – Bình Dương; dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14.

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin toàn diện, đồng bộ. Đã triển khai ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp tỉnh (IOC tỉnh) để lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội. Các nền tảng dùng chung của tỉnh đã đảm bảo liên thông dọc và ngang giữa các cấp, các ngành để chia sẻ dữ liệu và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng thông rộng cố định, truyền hình số mặt đất. Triển khai thử nghiệm lắp đặt mạng 5G thành công hai nhà mạng VNPT, Viettel tại quảng trường tỉnh. Phủ sóng tuyến đường tuần tra biên giới đảm bảo quốc phòng an ninh với 54 trạm phát sóng thông tin di động. Mạng lưới bưu chính công cộng rộng khắp, bảo đảm mỗi xã có 01 điểm phục vụ. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cho phép kết nối 150 điểm cầu; đã triển khai các hội nghị, cuộc họp trực tuyến từ trung ương đến tỉnh, từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

Phát triển hạ tầng công nghiệp; mạng lưới truyền tải điện phục vụ sản xuất

Phát triển hạ tầng công nghiệp; mạng lưới truyền tải điện vào nhà máy, khu, cụm công nghiệp, phục vụ cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Xây dựng các dự án xử lý rác thải tập trung, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống khai thác, cung cấp nước sinh hoạt, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Về hạ tầng công nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12/15 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với diện tích cho thuê đất là 3.565 ha, thu hút được 378 dự án FDI với tổng số vốn là 4 tỷ 056 triệu USD. Đối với hạ tầng cụm công nghiệp, đã thành lập 09 cụm công nghiệp, trong đó 01 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, 06 cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng và 02 cụm công nghiệp đang hoàn tất thủ tục đầu tư.

Theo quy hoạch, khu công nghiệp Becamex Bình Phước có tổng diện tích hơn 4.633 ha, trong đó khu công nghiệp khoảng 2.448 ha và khu dân cư, tái định cư khoảng 2.185 ha. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 21.000 tỷ đồng. Khu liên hợp công nghiệp và đô thị này được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Bình Phước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo nguồn thu bền vững cho tỉnh

Về mạng lưới truyền tải điện, trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 10 dự án điện năng lượng mặt trời với tổng công suất là 1.010 MWp, đến nay đã hoàn thành 06 dự án với tổng công suất 850 MWp; đã phát triển được 3.557 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 550 MWp. Về thủy điện, đã hoàn thành đưa vào vận hành 01 dự án công suất 2,4MW, đang thi công 03 dự án với tổng công suất 56 MW. Hệ thống sản xuất và cung ứng điện trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Về kêu gọi đầu tư các dự án xử lý rác thải, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành khảo sát thực tế các vị trí đề xuất xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tập trung; đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ngành khảo sát và rà soát các vị trí, đang tổng hợp ý kiến các đơn vị để báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo làm cơ sở tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư.

Về hạ tầng thủy lợi, trên địa bàn tỉnh có 73 công trình thủy lợi vừa và nhỏ các loại; trong đó có 62 hồ chứa vừa và nhỏ, 09 đập dâng, 01 trạm bơm và 01 hệ thống kênh sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn. Tổng dung tích của các hồ chứa là 82,79 triệu m3, thực hiện nhiệm vụ tưới cho 9.286 ha đất nông nghiệp; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt với công suất 133.642 m3/ngày đêm. Trong giai đoạn 2021 đến tháng 6/2023 đã thực hiện xây dựng 6 công trình thủy lợi (04 hồ chứa nước thuộc cụm công trình thủy lợi vùng cao biên giới, đang thực hiện nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dung; 02 hệ thống kênh (Kênh An Khương, huyện Hớn Quản và Kênh Sóc Nê, huyện Bù Đốp). Ngoài ra, có 09 dự án đang trong quá trình chuẩn bị dự án (07 công trình xây dựng mới và 02 công trình sửa chữa, nâng cấp).

Về cấp nước, hiện tại tỉnh có 17 nhà máy nước đang hoạt động với tổng công suất 91.520 m3/ngày đêm. Với các nhà máy công suất lớn như: Nhà máy nước Đồng Xoài công suất 30.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước Phước Long 10.000 m3/ngày đêm; Nhà máy cấp nước Rừng Cấm công suất 2.000 m3/ngày đêm, Nhà máy cấp nước Sa Cát công suất 4.200 m3/ngày đêm, Nhà máy nước Chơn Thành (BIWASE) công suất 30.000 m3/ngày đêm. Mạng lưới cấp nước nông thôn có 41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho người dân.

Phát triển hạ tầng xã hội đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển và cải thiện đời sống nhân dân.

Trong những năm qua, tỉnh đã rất quan tâm cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng xã hội có bước phát triển, các dự án đầu tư xây dựng các công trình về y tế, giáo dục, thể dục thể thao và nhiều lĩnh vực khác được chú trọng, đáp ứng nhu cầu về hạ tầng xã hội như học tập, khám chữa bệnh, văn hóa, thể thao, thương mại… góp phần nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng. Một số công trình hiện đại được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc gia, góp phần tạo diện mạo mới cho tỉnh nhà.

Hệ thống trường lớp của Bình Phước được đầu tư phát triển, hiện đại hóa cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giảng dạy ở tất cả các bậc học. Đến nay, toàn tỉnh có 389 trường công lập từ mầm non đến trung học phổ thông, 02 trường Cao đẳng, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và 08 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Hệ thống trường ngoài công lập có sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế, chủ yếu là các trường mầm non tại một số khu vực đông dân cư, toàn tỉnh có 43 trường mầm non ngoài công lập, tăng 01 trường so với đầu nhiệm kỳ.

Về chương trình phát triển nhà ở xã hội, đã tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, phát triển các loại hình nhà ở khác nhau, góp phần đảm bảo chỗ ở ổn định cho người dân, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, người có công, hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 02 dự án nhà ở xã hội độc lập và 01 dự án nhà ở thương mại có xây dựng nhà ở xã hội đã và đang được đầu tư xây dựng với 937 căn nhà được xây dựng hoàn thành; diện tích sàn nhà ở bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 25,9 m2/người, trong đó diện tích sàn nhà ở bình quân tại đô thị là 29,4 m2/người, tại nông thôn là 23,9 m2/người.

Về hạ tầng thương mại, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 58 chợ đang hoạt động mang tính chất bán lẻ hàng hóa; trong 02 năm 2021-2022 có 04 chợ được xây dựng, nâng cấp cải tạo với số vốn khoảng 08 tỷ đồng (gồm chợ Lộc Hưng, chợ Lộc Thành, huyện Lộc Ninh; chợ Thanh Lương thị xã Bình Long, chợ Tân Thành, thành phố Đồng Xoài); có 03 trung tâm thương mại, 06 siêu thị, 58 cửa hàng thuộc chuỗi các cửa hàng tiện lợi (Bách Hóa Xanh, Winmart) và khoảng 7.500 cửa hàng bách hóa tổng hợp. Hệ thống thương mại của tỉnh đã từng bước được mở rộng, có vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng, với quy mô, chất lượng ngày càng nâng cao; hệ thống phân phối hàng hóa đã phủ khắp các huyện thị, hình thành thói quen tiêu dùng văn minh, hiện đại với bà con tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Phát triển đô thị theo hướng kết nối, tiết kiệm đất xanh, sạch, đẹp văn minh, hiện đại.

Tập trung đầu tư hạ tầng thành phố Đồng Xoài, thị xã BÌnh Long, thị xã Phước Long và phát triển huyện Chơn Thành trở thành thị xã, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Đã tập trung xây dựng và chỉnh trang đô thị thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành lên thị xã Chơn Thành. Trên địa bàn tỉnh có 11 đô thị đóng vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế xã hội của tỉnh và của 11 huyện, thị xã, thành phố, gồm: 01 đô thị loại III, 03 đô thị loại IV, 05 đô thị loại V, và 2 xã đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến nay đạt 38,2%. Đã triển khai thực hiện các đề án về phát triển đô thị của tỉnh như: Đề án phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển các khu dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch nâng cấp xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V, giaĐi đoạn 2021-2030; và các đề án phát triển đô thị của các huyện, thị xã, thành phố do các địa phương thực hiện.

Để triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, các ngành, các cấp và UBND tỉnh đã đề các nhiệm vụ trong tâm

1. Tiếp tục thực hiện mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và định hướng quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Phước đã được phê duyệt. Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện các công trình giao thông có vai trò động lực, lan tỏa, kết nối liên vùng như: Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); dự án Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn 7km qua thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; dự án đường Đồng Phú - Bình Dương, đường Minh Lập (Chơn Thành) - Bù Nho (Phú Riềng).

2. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển đô thị của tỉnh. Trong đó, đối với các đô thị mới (xã nâng cấp lên đô thị loại V) khẩn trương triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chung đô thị, lập và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo lộ trình được duyệt; đối với thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, Bình Long, Phước Long tiến hành rà soát hiện trạng phát triển đô thị trên địa bàn so với các tiêu chí của đô thị hướng đến, lập danh mục, lộ trình thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư nhằm khắc phục những tiêu chí còn yếu, còn thiếu để nâng cấp các đô thị hiện hữu đạt tiêu chí đô thị hướng đến, triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo lộ trình được duyệt.

3. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023; Quyết định số 1683/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

4. Quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công. Thực hiện tốt công tác cơ cấu lại đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn cho những công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, hạ tầng nông thôn; khắc phục tình trạng đầu tư còn dàn trải. Đồng thời, rà soát nguồn vốn để đảm bảo tiến độ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

5. Xây dựng cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn theo phương thức hợp tác công tư PPP nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trên lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm để đầu tư hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, khu kinh tế.

6. Nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước của các Sở và các cấp, các ngành về đầu tư xây dựng. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, kiểm soát chặt chẽ về mục tiêu, hiệu quả dự án, quá trình đầu tư xây dựng; tăng cường quản lý chất lượng và chi phí xây dựng công trình góp phần khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư, giám sát cộng đồng; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng các dự án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
 

Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết