• :
  • :

Bình Phước: Giải pháp khai thác và phát huy lợi thế để phát triển ngành Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020–2025), ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Phước bước đầu đã có những sự chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; sản xuất ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến) và loại hình tổ chức (hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp), đã từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô vừa và lớn, đặc biệt trong chăn nuôi, cây công nghiệp lâu năm.
Đến nay, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh hiện có 424.754 ha, trong đó cây cao su và điều đứng đầu cả nước, cụ thể: Cây cao su diện tích là 244.925 ha (chiếm 26% diện tích cả nước); cây Điều có diện tích là 151.878 ha (chiếm 50,6% diện tích cả nước); cây cà phê diện tích 13.963 ha (chiếm 1,97% diện tích cả nước) và cây hồ tiêu diện tích là 13.607 ha (chiếm 10,7% diện tích cả nước).

Lĩnh vực chăn nuôi: Đã thu hút được nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn như CP, Jafap Coomfeed Việt Nam, Newhop.... Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 478 trang trại, trong đó tỷ lệ trang trại chuồng kín, lạnh chiếm 66% (316 trang trại). Về tổng đàn: Đàn trâu 12.725 con; đàn bò 39.174 con; đàn lợn 1.955.617 con đàn gia cầm 13.585,63 ngàn con.

Về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Diện tích quy hoạch các khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là 2.374 ha, diện tích đã đưa vào sản xuất là 1.643 ha thực hiện các dự án trồng chuối xuất khẩu, chủ yếu được xuất khẩu đi Trung Quốc. Ngoài ra, còn có sản xuất nhà lưới, nhà màng lắp đặt hệ thống tưới tự động, như: Dưa lưới, rau, Sầu riêng, Bưởi, Nhãn... Diện tích ứng dụng tưới nước tiết kiệm: 6.088,9ha (trong đó, cây hồ tiêu 2.140,8ha; cà phê 1.242,2ha; ca cao 120,2 ha và cây ăn quả các loại 2.585,8ha).

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi về kỹ thuật và năng suất sản xuất dưa lưới ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản.

Về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ chủ yếu áp dụng trên một số cây trồng chính, cụ thể: Cây điều: Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất được 38 HTX (diện tích: 3.000 ha); chuỗi Điều hữu cơ: khoảng 3.200 ha; chuỗi hợp tác vùng nguyên liệu: đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hạt điều bình Phước cho 09 doanh nghiệp.

Cây hồ tiêu: Sản xuất sạch: 2.470 ha đạt chứng nhận Rainforest Alliance; Sản xuất Tiêu hữu cơ: 20 ha; thành lập 64 Câu lạc bộ Hồ tiêu tham gia liên kết với Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cây ăn trái: Sản xuất sạch 820 ha; trong đó tập trung vào các cây sầu riêng, bưởi da xanh, quýt, nhãn.

Ngoài kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp còn thiếu bền vững so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa nhiều; các tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp (tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) chủ yếu vẫn dựa vào lợi thế đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, lao động giản đơn, diện tích, quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp chủ yếu chế biến thô, đơn giản hoặc tham gia vào các khâu gia công nên giá trị gia tăng chưa cao; tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp, chế biến sâu còn thấp... Vì vậy, đòi hỏi ngành Nông nghiệp và PTNT phải có những giải pháp nhằm khai thác và phát huy lợi thế hiện có của tỉnh để phát triển ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021, Tỉnh ủy đã ban hành một số chủ trương như: Phát triển hệ thống bảo quản sau thu hoạch; phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ;  nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; quản lý, phát triển rừng và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch (đang hoàn thiện để ban hành) và đặc biệt là Nghị quyết cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
 
Sản phẩm hạt điều Hà Mỵ của Bình Phước đạt OCOP 5 sao

Để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, đạt mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

1. Tuyên truyền, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động

Thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Xây dựng nội dung tuyên truyền với những nội dung chính như: Phát triển nông nghiệp bền vững; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ…

2. Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất; huy động nguồn lực vào nông nghiệp

Hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị. Hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Xây dựng một số mô hình điểm hợp tác xã mang tính đột phá để nhân rộng. Thành lập các câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh cây ăn trái. Hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, từng bước tiếp cận thị trường thế giới và sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Tập trung nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất để phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; kêu gọi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; kêu gọi tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

3. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và cán bộ quản lý ngành nông nghiệp; ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ

Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo những bước đột phá trong nghiên cứu, chọn, tạo và sản xuất giống, công nghệ di truyền, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành; chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

4. Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng

Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn (thủy lợi, điện, đường giao thông) và hạ tầng thương mại, logistic, hệ thống thông tin liên lạc, kho bãi, hệ thống tài chính, hệ thống đào tạo và hệ thống quản lý và pháp luật ở nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

5. Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và bảo vệ môi trường.

Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết