• :
  • :

Những kêt quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Những kêt quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bình Phước sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 42-CTTr/TU của Tỉnh ủy Bình Phước đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam nói chung, Bình Phước nói riêng.

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 33 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, trong đó Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển những đặc tính nổi trội văn hóa của người Bình Phước “Hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”.

Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 13/11/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, đất nước; định hướng, phối hợp chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, vùng đất và con người Bình Phước nói riêng.

Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tổng kết

Công tác kiểm tra, giám sát Nghị quyết số 33-NQ/TW luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đưa nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Tỉnh ủy về văn hóa, con người, văn học, nghệ thuật vào chương trình kiểm tra, giám sát. Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vào cuộc, chủ động tuyên truyền, tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội, qua đó góp phần nhận cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội về xây dựng, phát triển văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Khắc Vĩnh - Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức sơ kết 05 năm, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về văn hóa, con người, văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong 10 năm, tỉnh đã chỉ đạo tổng kết 5 nghị quyết, chỉ thị; sơ kết 02 chỉ thị; chỉ đạo tổ chức 03 tọa đàm và hàng năm gặp mặt văn nghệ sỹ tiêu biểu, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW trong thời gian tới.
 

Đánh giá về những kết quả đạt được, tại Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bình Phước vừa qua, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 42-CTTr/TU của Tỉnh ủy Bình Phước đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam nói chung, Bình Phước nói riêng; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, ấp, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình; Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách; Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Các đại biểu dự hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn có những hạn chế như: công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 33 trên lĩnh vực văn hoá có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên; phong trào xây dựng khu phố, ấp văn hoá, gia đình, cơ quan trường học đạt chuẩn văn hoá ở một số địa phương còn mang tính hình thức; một số bộ phận thanh niên chưa chú trọng đến giá trị văn hoá cộng đồng, còn những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ và lối sống; đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hoá còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 33- NQ/TW của BCH Trung ương và Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian tới tiếp tục quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
 

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, gắn với thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường phát biểu kết luận hội nghị

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

 

2.  Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người; thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương Bình Phước. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và các hoạt động văn hóa; ưu tiên thực hiện số hóa hệ thống di sản văn hóa, khu du lịch, bảo tàng, cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin, truyền thông, cơ sở dữ liệu thư viện của tỉnh...

Khuyến khích phát triển sâu rộng các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng; nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác văn học - nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và có các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa, con người; đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Ưu tiên đầu tư, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 3. Tập trung xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, dòng họ, địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp; văn hóa trong chính trị và kinh tế, văn hóa nơi công cộng.

Tạo môi trường lành mạnh để giáo dục, rèn luyện con người Bình Phước phát triển toàn diện về các mặt “Đức - Trí - Thể - Mĩ”, dựa trên cốt lõi của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa tiến bộ và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của gia đình, dòng họ, địa phương.

Tiếp tục chủ động, tích cực, đa dạng hóa các hình thức tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa với các tỉnh, thành. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch của tỉnh thông qua các diễn đàn, sự kiện, hội chợ khu vực, trong nước và nước ngoài.

 4.  Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hoá từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa” theo tiêu chí các chuẩn mực để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng.
Thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Tin tức nổi bật

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết